Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Sơn - Vĩnh Linh

Gương điển hình

(demo) Quảng Trị: Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm cộng đồng ở Vĩnh Sơn


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  8:27, Thứ Năm, 28-4-2022

Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.

 

Ảnh: Người dân Vĩnh Sơn đang tiến hành chăm sóc tôm giống vừa thả trong vụ 2013

Chúng tôi về Vĩnh Sơn đúng lúc người dân ở đây bước vào vụ thả tôm giống năm 2013. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2012, toàn xã có 150 ha nuôi tôm sú, năng suất bình quân 45 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 761 tấn; doanh thu từ tôm khoảng 77,38 tỷ đồng, đạt 198% kế hoạch. Một vụ tôm thành công đã tạo niềm tin để người dân đầu tư, triển khai kế hoạch nuôi tôm 2013. Đến thời điểm này, toàn bộ 160 ha nuôi tôm sú của xã đã được thả con giống”. 

Tinh thần đoàn kết từ mô hình nuôi tôm cộng đồng trở thành “bí quyết” nuôi tôm thành công ở Vĩnh Sơn. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mô hình nuôi tôm bắt đầu xuất hiện ở Vĩnh Sơn vào năm 2000 với một số hộ nuôi nhỏ lẻ nhưng cho thu nhập khá nên chỉ vài năm sau, phong trào nuôi tôm ở đây phát triển mạnh, người dân đua nhau chuyển đổi ruộng đất, đào ao thả tôm. Tuy nhiên, do mạnh ai nấy làm nên dịch bệnh trên tôm hoành hành, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần do nuôi tôm thua lỗ. 

Đứng trước tình hình này, UBND xã Vĩnh Sơn đã chỉ đạo Ban quản lý các HTX kiện toàn các ban điều hành cộng đồng nuôi tôm và ban hành các quy chế cộng đồng về nuôi tôm sú một cách cụ thể ở từng HTX. Dưới sự quản lý của Ban điều hành cộng đồng nuôi tôm 15 tổ nuôi tôm cộng đồng cũng được hình thành. Mỗi tổ chịu trách nhiệm quản lý từng khu vực nhỏ, đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về cải tạo ao hồ, chọn giống, khung lịch thời vụ, mật độ thả tôm giống, sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước… 

Ông Trần Đức Hữu, Bí thư Chi bộ, Phó Chủ nhiệm HTX Huỳnh Thượng cho biết: “HTX Huỳnh Thượng có 44,5 ha nuôi tôm với 155 hộ, hiện nay toàn bộ diện tích nuôi tôm của HTX đều khép kín, rào lưới B40, 2 – 3 hồ tôm thì chung một giếng khoan. Tất cả các xã viên đều tuân thủ quy ước nuôi tôm cộng đồng của HTX là chỉ bơm nước một lần ở sông Bến Hải (có sử dụng hóa chất diệt khuẩn) vào cải tạo ao hồ đầu vụ nuôi. Sau khi thả con giống chỉ dùng nước giếng khoan cấp bổ sung cho hồ tôm chứ không sử dụng nước sông. Ai vi phạm thì bị ngừng cấp điện thắp sáng và điện chạy mô tơ. Vì vậy đã hạn chế tối đa sự lây nhiễm của dịch bệnh từ nguồn nước ngoài sông mang vào”. 

Với phương châm nuôi một vụ tôm sú ăn chắc, toàn bộ diện tích 160 ha nuôi tôm ở Vĩnh Sơn chỉ để nuôi tôm sú và người dân bắt buộc phải tuân thủ quy định này. Theo ông Sơn, những năm trước một số hộ dân ở Huỳnh Thượng tự ý thả tôm thẻ chân trắng nhưng chỉ vài ngày sau tổ nuôi tôm cộng đồng phát hiện, lập tức lập biên bản và yêu cầu hộ dân phun hóa chất tiêu hủy. Trường hợp tôm bị bệnh, hộ nuôi tôm phải kịp thời báo cáo với tổ nuôi tôm cộng đồng, ban quản lý các HTX, các đại lý cung cấp thức ăn, thuốc để cùng nhau tìm biện pháp điều trị. Đặc biệt, tôm từ 45 ngày tuổi trở xuống (chưa đủ điều kiện thu hoạch) thì phải dùng hóa chất xử lý và không được xả nước ra môi trường. Thành viên các tổ và Ban điều hành nuôi tôm cộng đồng đều là những người có diện tích nuôi tôm tương đối lớn, vì vậy để đảm bảo tài sản của mình, mọi người đều làm việc rất có trách nhiệm, khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức tập thể của mỗi xã viên. Nhờ đó vụ tôm năm 2012, toàn xã Vĩnh Sơn có trên 10 ha tôm bị bệnh ở đầu vụ đã được khống chế và dập dịch kịp thời. 

Tinh thần cộng đồng ở vùng nuôi tôm Vĩnh Sơn còn được thể hiện ở mối quan hệ giữa các chủ hồ tôm với các đại lý kinh doanh thức ăn và thuốc phục vụ nuôi tôm trên địa bàn xã. Ngoài việc đảm bảo về giá cả, chất lượng sản phẩm… thì hệ thống đại lý này đã góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho nhiều hộ nuôi tôm bằng cách cho lấy nợ tiền thức ăn và thuốc đến cuối vụ thu hoạch tôm mới thanh toán. 

Theo tính toán của người nuôi tôm Vĩnh Sơn thì trung bình một hồ tôm (diện tích 1.000 m2) cần khoản vốn từ 90 – 100 triệu đồng, gồm các chi phí: cải tạo ao hồ đầu vụ 7 triệu đồng; giống từ 18 – 25 triệu đồng (bình quân thả 25 con/m2); điện 5 triệu đồng; thức ăn 35 – 40 triệu đồng; các loại thuốc xử lý môi trường và thuốc bổ cho tôm 30 – 35 triệu đồng. Nhìn vào danh mục chi phí, mọi người đều hiểu khoản đầu tư lớn nhất trong nuôi tôm là chi phí thức ăn và thuốc. Vì vậy, hình thức cho nợ tiền thức ăn và các loại thuốc đến cuối vụ thanh toán của hệ thống đại lý ở Vĩnh Sơn đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thắt chặt tình làng nghĩa xóm để phát huy sức mạnh tập thể. 

Cũng vì lẽ đó, thành quả mà người dân Vĩnh Sơn gặt gái được trong vụ tôm sú năm 2012 rất đáng trân trọng. Mong rằng các địa phương trong tỉnh sẽ học tập, nhân rộng cách làm này trên nhiều mô hình kinh tế khác.

CÁC TIN KHÁC
 

 
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH