Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giới tuyến quân sự tạm thời được chia theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, nếu tính từ Cửa Tùng đến Bến Tắt khoảng 20 km, đi qua xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là 14 km. Chính vì địa bàn dài và xung yếu nên trên bờ sông Bến Hải thuộc xã Vĩnh Sơn có nhiều bến đò ngầm để phục vụ cuộc chiến đấu lâu dài, anh dũng với khát vọng thống nhất non sông của dân tộc ta. Trên địa bàn, nếu chỉ tính những bến đò có vai trò, vị trí quan trọng thì có tới hàng chục. Một trong những bến đò để lại nhiều dấu ấn nhất là Bến Rèn, thuộc thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh
Khi đến với Vĩnh Sơn người ta sẽ dễ dàng nhận thấy vùng đất này mang đậm dấu ấn của một làng quê thuần nông của Quảng Trị. Không ồn ào, tấp nập; không có những nhà máy xí nghiệp nhộn nhịp ngày đêm, chỉ có những cánh đồng trải dài và những ngôi nhà nhỏ ẩn hiện sau rặng tre…nét thanh bình, yên ả của làng chính là một mãnh của hồn quê Quảng Trị.
Trãi qua quá trình khai canh, lập làng lâu đời với nhiều biến cố thăng trầm của thời cuộc, người Vĩnh Sơn đã có sự gắn bó bền chặt. Con cháu của các họ đến đây dù sớm muộn khác nhau nhưng tất cả đã đoàn kết cùng nhau khai phá ruộng đồng, tạo nên cuộc sống nề nếp, phong tục thuần hậu.
Xã Vĩnh Sơn nằm ven bờ Bắc sông Bến Hải, dòng sông đã đi vào lịch sử dân tộc với những trận chiến anh dũng và là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông. Trong những năm tháng chiến tranh do nằm trên trục đường thẳng từ Vĩnh Thủy vào nên thuận lợi cho bộ đội ta hành quân từ Vĩnh Chấp qua Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm để đi vào Bến Rèn rồi tiến vào Nam. Mặt khác, từ kho vũ khí ở Vĩnh Thủy vào đến đây là đường ngắn nhất nên thuận lợi cho lực lượng thanh niên xung phong vận chuyển vũ khí, khí tài vào chiến trường. Ngoài ra trục đường này có hệ thống giao thông hào liên hoàn được các rặng tre che khuất rất tốt cho công tác ngụy trang và tránh được đạn pháo từ Hạm đội 7 của Mỹ từ ngoài biển bắn vào, đạn pháo của địch từ căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu ở Gio Linh bắn sang.
Bến Rèn ở thôn Nam Sơn xã Vĩnh Sơn còn gọi là Bến Lội vì ở khúc sông này khi thủy triều xuống có thể lội qua được. Bến Rèn đã có từ lâu nhưng đến năm 1962, khi cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh vũ trang thì bến đò này mới phát huy tác dụng.
Suốt từ năm 1962 đến 1973 Bến Rèn gắn với Trung đội dân quân thôn Nam Sơn. Đây là đơn vị chủ lực của xã, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy và xã đội, Ban Công an xã Vĩnh Sơn. Đơn vị đã hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn đánh vào địa bàn, kiên cường chiến đấu bảo đảm giao thông, đưa hàng vạn bộ đội vào chiến trường miền Nam, hàng ngàn thương binh, liệt sĩ từ Nam ra Bắc. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trung đội dân quân Nam Sơn còn đón tiếp hàng ngàn người dân từ miền Nam ra, lo chu đáo nơi ăn, chốn ở để tiếp tục về hậu phương lớn miền Bắc.
Mặc dù khẳng định ý nghĩa dấu ấn một thời vàng song, từng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, là chứng tích của một thời đấu tranh khốc liệt nhưng cũng rất đổi hào hùng của quân và dân Quảng Trị. Thế nhưng, đến thời điểm này bến rèn Vĩnh Sơn không được biết đến nhiều, và cũng có thể hiểu nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ, nhân dân xã Vĩnh Sơn về một công trình phục vụ nhân dân và làm địa chỉ về nguồn không chỉ nhưng người từng hoạt động tại đây mà cho con cháu mai sau hướng về.
Bến Rèn hôm nay đã khác lắm so với hơn 40 năm về trước. Nhân dân Vĩnh Sơn nổi tiếng kiên cường trong chiến tranh, bây giờ lại chăm chỉ với ruộng vườn. Cơ giới hóa đã vào đồng ruộng, chỉ một tuần là cả thôn làm đất xong, còn mùa gặt cũng một tuần là lúa đã vào bồ. Đời sống văn hóa cũng rất cao, mọi người luôn sống quây quần bên nhau, vui vẻ lạc quan. Mặc dù cuộc sống đang ngày càng phát triển và hướng đến những giá trị mới của sự hiện đại và văn minh nhưng người con Vĩnh Sơn hôm nay vẫn luôn gìn giữ những giá trị văn hóa – lịch sử mà cha ông đi trước đã dày công xây dựng, và đây cũng chính là một nền tảng vững chắc để nhắc nhở lớp con cháu về sau phải biết phát huy và viết thêm những trang mới tươi đẹp trong lịch sử phát triển của làng.